TIẾT HỌC TRẢI NGHIỆM STEM ĐẦU TIÊN CỦA BÉ

Thứ Tue,
27/08/2019
Đăng bởi Vũ Hải Linh

Như đã hẹn với các bé, vào 15:00 chiều 28/8/2019, các bé Mầm non Baby’s Dino đã được trực tiếp cô giáo Hải Linh, Hiệu phó Nhà trường và cô Thoa, giáo viên lớp Buck hướng dẫn tiết học trải nghiệm Stem đầu tiên mở đầu cho năm học mới 2019-2020 mang tên: “Núi lửa phun trào”.

Mời bố mẹ cùng trải nghiệm tiết học Stem của bé nhé!

STEM và STEAM

Giáo dục STEM tập trung vào những yếu tố quan trọng như: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Math (Toán học). Theo đó, Mô hình giáo dục STEM là quá trình tích hợp kiến thức giữa các môn khoa học, kỹ thuật, toán học, công nghệ, qua đó xây dựng cho học sinh các kỹ năng được kết hợp hài hòa từ kiến thức của các bộ môn nói trên để sử dụng khi làm việc trong thế giới công nghệ ngày nay.

Đồng thời STEM trang bị cho các bé những kỹ năng về tư duy phản biện và giải quyết vấn đề; kỹ năng làm việc theo nhóm; khả năng tư duy chiến lược và định hướng mục tiêu; kỹ năng quản lý thời gian, nhằm chuẩn bị cho các bé những tri thức thiết yếu nhất để bước vào bậc Tiểu học

Lợi ích của STEAM với trẻ mầm non

Trẻ mầm non không học lý thuyết hàn lâm, qua những lời nói suông, giảng giải mà chúng học qua chính những trải nghiệm - thực làm, thực học. Đặc điểm tư duy của trẻ mầm non là tư duy trực quan. Vì thế khi cho trẻ quan sát và thực hiện một thí nghiệm khoa học, hãy chỉ tập trung vào việc đặt câu hỏi để trẻ tự nói ra những thay đổi, những hiện tượng mà trẻ nhìn thấy và nghe thấy. Tránh giải thích dài dòng về nguyên lý khoa học, mà hãy tập trung vào giúp trẻ phát hiện những thay đổi, những diễn biến của hiện tượng. Với các nguyên lý khoa học phức tạp trẻ sẽ tiếp tục được tiếp cận ở các cấp học cao hơn.

Bé chăm chú quan sát sự cô giáo trang trí, giới thiệu nguyên liệu để làm thí nghiệm khoa học: Núi lửa phun trào.

Trong giáo dục STEAM, khi đặt các câu hỏi cho trẻ nên sử dụng những câu hỏi ở dạng “mở” để trẻ có thể trả lời được, tránh những câu hỏi mà trẻ chỉ là lời “có” hoặc “không”. Không nên hỏi những câu như: Đây có phải là viên kẹo bị loang màu không? Quả cam này tròn à? Xe ô tô này chạy được vì cái bánh xe đúng không?

Nên hỏi những câu hỏi giúp trẻ huy động vốn kinh nghiệm, hiểu biết, như: Con gì đây? Con biết gì về quả cam? Con có thể kể cho mẹ nghe con đã xếp ngôi nhà này như thế nào không?... hay các câu hỏi kích thích trẻ tìm hiểu, thử nghiệm, như: Tại sao con không thử làm xem?... hoặc khuyến khích trẻ suy luận, phán đoán, như: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho một ít giấm vào cốc bột nở này nhỉ?... hay khơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ kiểu: con có thấy đĩa kẹo bây giờ giống với thứ gì đó mà con đã biết không?...

Dưới đây là một số hình ảnh các con vui với thí nghiệm stem:

 

Mai Hương

popup

Số lượng:

Tổng tiền: