Trẻ em đang quá thiếu những kỹ năng sống (KNS) cơ bản. Nguyên nhân của thực trạng này là do đâu?
Trong 5 năm trở lại đây đối với giáo dục mầm non nói riêng ngày càng nhiều cơ sở giáo dục và các phụ huynh nhận ra rằng: Trẻ em đang quá thiếu những kỹ năng sống (KNS) cơ bản. Nguyên nhân của thực trạng này là do đâu? Đó là sự thiếu thốn chương trình khoa học, bài bản trong việc giáo dục hình thành kỹ năng sống cho trẻ.
Kỹ năng sống là gì?
Kỹ năng sống là một tập hợp các kỹ năng mà con người có được thông qua giảng dạy hoặc kinh nghiệm trực tiếp được sử dụng để xử lý những vấn đề, câu hỏi thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Giáo dục KNS một quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan tới kiến thức và thái độ, giúp cá nhân có ý thức về bản thân, giao tiếp, quan hệ xã hội, thực hiện công việc, ứng phó hiệu quả với các yêu cầu thách thức của cuộc sống hàng ngày…
Đối với trẻ Mầm non, hiểu đơn giản KNS chính là những thao tác hành động, nhận thức – tình cảm các con sử dụng hành ngày để đáp ứng nhu cầu bản thân và xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc sống.
|
Kỹ năng sống sẽ giúp trẻ đáp ứng nhu cầu bản thân và xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc sống. (Ảnh: Báo mới) |
Cơ sở khoa học để xây dựng chương trình KNS cho trẻ
Việc xây dựng được một chương trình giảng dạy KNS cho các học sinh Mầm non không đơn giản là cóp nhặt từ những hành động ngoài thực tế của một số trẻ hoặc áp chương trình giáo dục KNS của người lớn một cách giảm tải xuống trẻ em.
Các bài học KNS phải được xây dựng dựa trên các Lý thuyết về Tâm lý học; Giáo dục học, thậm chí là Y học liên kết trực tiếp và mạnh mẽ với sự phát triển của trẻ trong từng độ tuổi về mặt Thể chất – Tinh thần.
Tiếp theo đó, các chương trình giáo dục KNS còn phải tính tới yếu tố phù hợp với môi trường sống, văn hoá cộng đồng dân cư, điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục…Không thể mang một chương trình giáo dục KNS cho trẻ em thành phố để lên áp dụng với trẻ em ở vùng núi.
Chương trình KNS cũng phải có tính liên kết với chương trình giáo dục trên lớp của trẻ, điều đó tạo cho trẻ một trật tự logic trong tư duy và hành động, đồng thời cũng tranh thủ được sự cộng tác của giáo viên chủ nhiệm lớp trong quá trình giảng dạy để đạt hiệu quả cao hơn.
Một số trụ cột khoa học mà người làm chương trình KNS có thể dựa vào và tham khảo như:
1. Học thuyết tâm lý học phát triển: Trong đó đề cập tới các mốc phát triển theo độ tuổi của trẻ cùng với các đặc điểm về vận động – tư duy – giao tiếp.
2. Thuyết nhu cầu của nhà Tâm lý học Abraham Maslow: Nổi tiếng với Tháp nhu cầu, Maslow đưa ra quan điểm về các nhu cầu cần được đáp ứng đối với con người để có một cuộc sống hạnh phúc.
Thuyết nhu cầu của nhà Tâm lý học Abraham Maslow
Bốn trụ cột và 6 mối quan hệ trong giáo dục theo UNESCO
Bốn trụ cột trong học tập gồm: Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; Học để cùng chung sống.
Sáu mối quan hệ trong giáo dục: Giáo dục và Văn hóa; Giáo dục và Quyền công dân; Giáo dục và Gắn kết xã hội; Giáo dục, Lao động và Việc làm; Giáo dục và Phát triển; Giáo dục, Nghiên cứu và Khoa học.
Phân loại Kỹ Năng Sống theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO
Theo WHO, kỹ năng sống được chia thành hai loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với 10 yếu tố:
- Tự nhận thức
- Tư duy sáng tạo
- Giải quyết vấn đề
- Kỹ năng giao tiếp ứng xử
- Ứng phó với các tình huống nguy hiểm
- Thông minh cảm xúc
- Đồng cảm
- Tư duy bình luận, phê phán
- Kỹ năng ra quyết định
- Kỹ năng đàm phán, thương thuyết
Các giá trị sống theo phân loại từ UNESCO
Theo như UNESCO, có 12 giá trị sống căn bản cần được đưa vào giáo dục nhà trường để xây dựng nên hình ảnh một đứa trẻ cân bằng và hạnh phúc, bao gồm:
1. Hòa bình
2. Tôn trọng
3. Yêu thương
4. Hạnh phúc
5. Trung thực
6. Khiêm tốn
7. Trách nhiệm
8. Giản dị
9. Khoan dung
10. Hợp tác
11. Tự do
12. Đoàn kết
Chương trình Thực hành cuộc sống trong Montessori
Trong phương pháp Montessori có đề cập tới chương trình mang tên "Thực hành cuộc sống", trong đó chú trọng tới việc người giáo viên thông qua hoạt động giảng dạy, hướng dẫn trẻ thao tác với giáo cụ, bài học để đạt được một số kỹ năng cơ bản phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hang ngày của trẻ. Các hoạt động này có thể được phân chia thành 4 nhóm sau:
- Các môi trường động và tĩnh (quét bụi, lau chùi, giặt rửa, đánh bóng, chăm sóc cây, động vật…)
- Cá nhân mỗi người (mặc quần áo, cởi quần áo, tắm rửa, chải chuốt)
- Các mối quan hệ xã hội (chào hỏi, đề nghị, chấp nhận, xin lỗi, …).
- Các vận động căn bản (cầm nắm, khuân vác, đặt xuống, nhặt lên,đi bộ, ngồi xuống, đứng lên, …)
Một số gợi ý trong việc thiết kế chương trình KNS cho trẻ mầm non
Từ những trao đổi trên kết hợp với kinh nghiệm thiết kế chương trình và giảng dạy, tác giả xin nêu ra 1 số gợi ý cho việc xây dựng chương trình giáo dục KNS.
Các nhóm KNS cơ bản cần dạy cho trẻ
Nhóm kỹ năng Tự phục vụ: Bao gồm các bài dạy và hướng dẫn thực hành các kỹ năng xoay quanh việc nhận biết các nội dung kiến thức - hành động liên quan tới việc tổ chức các hoạt động tự chăm sóc bản thân của trẻ nhỏ.
- Kỹ năng nhận diện bản thân
- Kỹ năng sử dụng đồ vật
- Kỹ năng tự phục vụ
- Các kỹ năng trong sinh hoạt gia đình
- Kỹ năng gọi tên và điều hoà cảm xúc
Nhóm kỹ năng Phòng tránh nguy hiểm: Bao gồm các bài dạy hướng dẫn kiến thức - thực hành xoay quanh hoạt động giúp trẻ Nhận diện - Phòng tránh - Xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm - xâm phạm tới sự an toàn của trẻ.
- Kỹ năng giao tiếp với người lớn
- Kỹ năng xử lý khi đi lạc
- Làm gì khi ở nhà 1 mình?
- Kỹ năng bảo vệ cơ thể (Phòng tránh xâm hại)
- Kỹ năng xử lý khi có đám cháy
- Kỹ năng xử lý khi người lạ (trộm) đột nhập vào nhà
Nhóm kỹ năng Giao tiếp xã hội: Bao gồm các bài dạy và hướng dẫn thực hành liên quan tới việc định hướng cho trẻ các kiến thức và kỹ năng xoay quanh hoạt động tương tác xã hội với bạn bè - thầy cô - bố mẹ - hành xóm....giúp trẻ thiết lập vòng tròn giao tiếp lành mạnh.
- Kỹ năng sử dụng các mẫu câu hỏi
- Kỹ năng sử dụng mẫu câu chào
- Kỹ năng sử dụng lời mời
- Kỹ năng trần thuật, kể chuyện
- Kỹ năng sử dụng các lời chúc
- Thế nào là vòng tròn giao tiếp an toàn?
Nhóm 12 giá trị sống theo UNESCO
Nhóm giá trị sống: Tôi là người Việt Nam: Bao gồm các bài dạy liên quan tới việc nhận diện, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.
- Tìm hiểu về địa lý Việt Nam
- Tìm hiểu về trang phục truyền thống
- Tìm hiểu về một số làn điệu dân ca
- Các trò chơi dân gian Việt Nam
- Các ngày lễ lớn trong năm
- Bé làm gì để bảo vệ tổ quốc?
- Giữ gìn Tiếng Việt
Mai Hương (sưu tầm)